Đôi lúc bạn lỡ phát ngôn: "Mình hay đặt cái CPU dưới đất cho đỡ tốn chỗ" và nhận được cái nhìn "khinh bỉ" từ thằng bạn I.T kính dày cộp mà không hiểu vì sao thì hãy đọc thật kỹ bài viết này nhé!
1. "Ổ cứng SSD"
SSD (Solid State Drive - ổ lưu trữ thể rắn) đối với người dùng máy tính hiện nay không còn quá xa lạ vì tốc độ xử lý cao hơn ổ cứng truyền thống (HDD) rất nhiều mà giá thành đã rẻ hơn lúc mới ra mắt (dù đã có tăng "nhẹ" cùng với RAM). Tuy quen thuộc nhưng đây lại là thuật ngữ hay bị sử dụng nhầm lẫn nhiều nhất hiện nay. Bảo đảm bạn đã không ít lần nghe đến cụm từ "ổ CỨNG thể rắn" nhưng mình xin bảo đảm là nó sai ở chữ "cứng" đấy *nháy mắt*.
Ổ cứng (hard drive) thường được nói đến để chỉ thiết bị lưu trữ dữ liệu trên đĩa cứng (HDD - Hard Disk Drive) do dữ liệu được lưu trên...một chiếc đĩa cứng xoay được. Nghe thì có vẻ hiển nhiên và khá đơn giản nhưng lại bị sử dụng nhầm nhiều nhất đấy vì SSD không hề "cứng" anh em ạ. Khác xa với HDD, SSD thường sử dụng bộ nhớ flash để lưu dữ liệu nên vừa nhanh vừa êm và độ bền cao hơn khi va đập vì không sử dụng bất cứ thành phần nào có thể chuyển động được.
Vì vậy nói "ổ cứng SSD" hay "ổ cứng thể rắn" thì chắc chắn là nhầm lẫn rồi đấy. Chính xác hơn thì chỉ cần gọi "ổ SSD" hay "SSD" là được rồi.
2. GPU vs VGA/Card màn hình/Card đồ họa
Thực chất GPU (Graphic Proccessing Unit) chính là nhân đồ họa hay được nhắc tới trong các bài viết về công nghệ đấy. "Chân tướng" của GPU ở hình bên dưới:
Hình ảnh GPU trên bo mạch của một chiếc card đồ họa.
GPU có nhiệm vụ xử lý dữ liệu về hình ảnh và xuất hình ảnh đã xử lý sang các cổng kết nối tới màn hình hiển thị. Thuật ngữ này hay bị nhầm lẫn với VGA/Card màn hình/Card đồ họa rất nhiều. VGA/Card màn hình/Card đồ họa hiểu đơn giản là một thiết bị hoàn chỉnh bao gồm cả GPU, hệ thống tản nhiệt, VRAM, các tụ, mạch bán dẫn và bảng mạch chính chứ không phải chỉ có GPU đơn lẻ. Vì vậy hãy cẩn thận khi sử dụng nó nhé.
Còn đây là một chiếc card đồ họa hoàn chỉnh với hệ thống tản nhiệt đầy đủ.
3. Card onboard vs card rời vs đồ họa tích hợp
Đây có thể là phần "khoai" nhất khi nhắc đến vì người dùng lâu nay đã quá quen thuộc với 2 khái niệm card onboard và card rời. "Card" được nhắc đến ở đây chính là bộ phận xử lý đồ họa được nhắc đến ở trên. Nhiệm vụ của nó là xử lý hình ảnh và xuất ra màn hình. Đơn giản là vậy.
Một chiếc "card onboard" từ rất từ ngày xưa ấy.
Trên máy tính để bàn (desktop), các thế hệ mainboard đời cũ sẽ tích hợp một con chip xử lý đồ họa ngay trên bo mạch chủ và từ đó thuật ngữ "onboard" ra đời. Các "card" này thường có sức mạnh xử lý rất kém, chỉ đủ để làm được những tác vụ đơn giản không yêu cầu quá cao về đồ họa, còn chơi game thì chào thua. Chính vì vậy để phân biệt với các card đồ họa mạnh mẽ chuyên dụng (Dedicated graphic card) thì thuật ngữ "card rời" ra đời. Các card đồ họa/VGA/card màn hình được gắn qua cổng PCI có sức mạnh xử lý cao hơn, mạnh hơn và đơn giản nhất là... có thể tháo rời sẽ đảm nhận vai trò xử lý đồ họa cho cỗ máy tính. Sau này với công nghệ chip bán dẫn phát triển, chiếc card "onboard" ngày nào đã được tích hợp vào chung với bộ vi xử lý trung tâm (Central Proccessing Unit - CPU) và sức mạnh cũng đã được cải thiện phần nào nhưng vẫn chưa so sánh được với "card rời" và được gọi chính xác là "card đồ họa tích hợp - integrated graphics". Tuy vậy cái tên "card onboard" vẫn được sử dụng phần là vì thói quen của người dùng.
Dedicated GPU và các thành phần như VRAM trên một bo mạch laptop.
Nếu bạn vẫn còn phân vân thì chưa hết đâu, trên laptop khái niệm card rời và card onboard còn rắc rối nữa. Do không gian hạn hẹp nên việc "nhét" cả chiếc card đồ họa hoàn chỉnh như trên vòa một chiếc laptop là điều không thể nào rồi. Chính vì vậy nhà sản xuất laptop sẽ "gắn": một là chiếc card đồ họa chuyên dụng (dedicated graphic card/"card rời") hoặc card đồ họa tích hợp (integrated graphic card/card tích hợp) hoặc đôi khi là cả 2 lên hẳn bo mạch của chiếc laptop. Lúc này chúng đều "on board" rồi nhé. Đùa thôi.
Túm cái váy lại, card onboard đã chết, chỉ tồn tại dedicated hoặc integrated. Chấm hết.
4. "Thùng CPU"/"cục CPU"
Thật sự đây là nhầm lẫn tai hại và dễ bị nhận "ánh nhìn khinh bỉ" từ thằng bạn I.T kính dày cộp nhất. Bạn thấy đấy, CPU ở đây chính là bộ vi xử lý trung tâm và nó nằm gọn trong lòng bàn tay như thế này này:
Chứ nó không hề được nhắc đến để chỉ nguyên thùng máy/case máy tính/build "to tổ chảng" chứa các món linh kiện khác nữa như ở dưới đây:
Vì vậy nên nhớ đừng đặt "cục CPU" của bạn xuống sàn cho mát nữa nhá!
5. HD/Full HD/Quad HD/Ultra HD vs 2K/4K và hơn thế nữa
Liệt kê ra như sau cho anh em dễ hiểu nhé:
- HD: độ phân giải 720p: 1280x720p. Đây là độ phân giải chuẩn HD và được lấy làm chuẩn thấp nhất ở đây nhé.
- Full HD: độ phân giải 1080p: 1920x1080p. Đây là độ phân giải phổ biến nhất hiện nay.
- Quad HD: độ phân giải QHD hay 2560x1440p. Đây là độ phân giải có mật độ điểm ảnh gấp 4 lần HD (Hiểu vì sao lại gọi là Quad rồi nhé).
- Ultra HD: độ phân giải UHD hay 3840x2160p. Đây là độ phân giải "phê" mắt nhất mình liệt kê ra.
Cũng cần phải nói thêm ngoài "p" thì còn "i" là đuôi độ phân giải cũng phổ biến nhưng mình không nhắc tới.
Rõ ràng là vậy thì sao lại có sự nhầm lẫn nữa? Thực ra độ phân giải QHD và UHD thường bị nhầm lẫn với 2K và 4K. Ngoài việc ngắn gọn, dễ nhớ và sẽ tạo ấn tượng tốt với người dùng thì cách biệt về độ phân giải thực sự là không lớn lắm nên có thể chấp nhận được. Để các bạn hình dung thì xem hình dưới đây nhé:
So sánh các độ phân giải từ 4K trở xuống.
Như các bạn có thể thấy, 2K sẽ có độ phân giải nhỉnh hơn xíu so với QHD vì đây chính là độ phân giải trong phim ảnh. Và tương tự như thế là UHD sẽ "không đủ tuổi" để so sánh với số điểm ảnh của 4K thực.
Kết
Dù là ít hay nhiều, nặng hay nhẹ thì sai sót vẫn có thể chấp nhận được khi nó đã trở nên quá quen thuộc với người dùng. Tuy nhiên trong các văn bản pháp lý thì sự chính xác tuyệt đối sẽ thực sự tuyệt vời. Vả lại hiểu rõ các thuật ngữ trên sẽ giúp các bạn tránh được nhầm lần hoặc tránh bị nhà sản xuất làm bối rối khi quyết định mua hàng phải không nào. Chúc anh em có được lựa chọn dùng từ chính xác hơn để không bị nhận "ánh nhìn" ấy nhé.
Jelly Donuts